Đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống con người, trong đó có công tác giáo dục. Đặc biệt với Hà Nội, thành phố đang ở mức nguy cơ cao thì việc dạy và học càng khó khăn hơn. Thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và Công văn số 967 của Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội về tiếp tục đẩy mạnh học qua internet, trên truyền hình, trường THCS Yên Thường một mặt đẩy mạnh công tác phòng chống dịch,bên cạnh đó không quên một nhiệm vụ quan trọng là dạy và học.
Ngay từ những ngày đầu nghỉ học vì đại dịch, trong buổi họp hội đồng, Ban giám hiệu đã triển khai các biện pháp cho học sinh ôn tập tại nhà bằng cách mỗi môn học hàng tuần có bài tập gửi tới học sinh qua nhóm Zalo của lớp, yêu cầu GVCN đôn đốc việc làm bài trực tuyến của học sinh 8,9, báo cáo hàng ngày số lượng học sinh truy cập. Đặc biệt, nhà trường cũng xác định dạy học trực tuyến là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần thiết trong hoàn cảnh này. Vì vậy, một loạt các hoạt động chuyên môn được đẩy mạnh: tập huấn giảng dạy trên Zoom.us, cách tạo tài khoản trên Zoom để không bị giới hạn về thời gian, cách kiểm soát các tính năng trong phần mềm này, cách kết hợp viết bảng đen cho giờ dạy chuyên nghiệp…Ngoài ra, căn cứ theo Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học HKII năm học 2019-2020 của Bộ GD và Sở GD Hà Nội, nhà trường đã xây dựng thời khóa biểu online phù hợp, sổ ghi đầu bài điện tử. Ban giám hiệu yêu cầu các tổ nhóm chuyên môn sinh hoạt trực tuyến đều đặn, đúng lịch, tập trung vào các nội dung: lên kế hoạch dạy học trực tuyến, phân công giáo viên ra nội dung ôn tập ở nhà cho học sinh, trao đổi thống nhất cách dạy qua Zoom…
Để dạy được một giờ học qua Zoom quả thực không hề đơn giản, nhất là những ngày đầu tiếp cận phương pháp này, cả thầy cô và học sinh còn vô cùng lung túng. Nhưng với tinh thần “dừng đến trường , không dừng vệc học”, mỗi thầy cô, từng học sinh đã cùng nhau cố gắng. Giáo viên thì tích cực học hỏi, tìm tòi, xem video hướng dẫn cách dạy, rồi tự mày mò một cách kiên trì để những trang trình chiếu vừa đảm bảo nội dung bài giảng vừa gây hứng thú hấp dẫn cho học sinh. Có những đồng chí đã chuẩn bị nghỉ hưu như cô giáo Hoàng Thị Bách Dung, rồi thầy giáo Nguyễn Đăng Hương đang trong thời gian điều trị bênh….tất cả đều vẫn tích cực, miệt mài trau chuốt, đầu tư công phu cho từng tiết dạy. Thầy giáo Nguyễn Đức Hùng đã thức trắng đêm nghiên cứu sáng tạo cách giữ cố định vị trí điện thoại để quay phần chữa bài trên bảng đen. Có thể nói, trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề, học sinh thì nghỉ học, phụ huynh lại phần lớn làm nông nghiệp, ít tiếp cận với công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy còn mới mẻ nhưng mỗi thầy giáo, cô giáo trường THCS Yên Thường đã nỗ lực cố gắng vượt qua. Sau mỗi giờ dạy, có những khó khăn hạn chế, giáo viên lại chia sẻ trên nhóm C2 Yên Thường để cả trường cùng tập trung bàn bạc, giải quyết. Bên cạnh đó,nề nếp dự giờ đồng nghiệp vẫn được giữ vững. Thông qua việc dự giờ, nhất là giờ dạy của các đồng chí giỏi về công nghệ thông tin, tay nghề trình chiếu và sử dụng phần mềm Zoom của từng giáo viên đã nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, với những đồng chí làm công tác chủ nhiệm, ngoài chăm lo cho giờ dạy còn phải gửi bài ôn tập, thông báo thường xuyên đến phụ huynh qua Zalo nhóm lớp để cùng với phụ huynh quán xuyến, đôn đốc, kiểm tra nề nếp học tập tại nhà của học sinh.
Sau những ngày đầu cả thầy và trò còn bỡ ngõ, khám phá sự mới lạ của phương pháp dạy học qua mạng. Giờ đây, công việc này đã trở thành nề nếp ổn định của cả giáo viên và học sinh chẳng khác gì những ngày đi học ở trường. Trong mỗi giờ học, ngoài việc khắc sâu kiến thức cơ bản đã học trên truyền hình, học sinh còn được củng cố, mở rộng, nâng cao qua hệ thống bài tập phong phú, phương pháp dạy học đa dạng. Khả năng tương tác giữa cô và trò đã nhanh nhạy hơn rất nhiều, kĩ năng sử dụng phần mềm, tin học qua từng giờ dạy của cả giáo viên và học sinh cũng thuần thục hơn.Học sinh đã thành thạo các thao tác ra vào phòng, tắt bật mic, camera, chia sẻ bài tập, giơ tay phát biểu ... Hơn thế nữa, các giờ học không hề khô khan, đơn điệu mà diễn ra rất sôi nổi, sinh động, hấp dẫn với những trang trình chiếu sáng, rõ, hình ảnh đẹp, màu sắc bắt mắt. Học sinh thì hứng thú, thầy cô thì say sưa. Vẫn kiểm tra bài cũ, vẫn giơ tay phát biểu, vẫn giao bài về nhà, thảo luận nhóm, tranh luận, vẫn những trò chơi thú vị, vẫn kiểm tra thường xuyên và còn cả lời nhắc nhở của thầy cô về ý thức học tập trong giờ. Điều đó khiến cho khoảng cách đường truyền trực tuyến bị xóa nhòa, thầy và trò thấy vẫn gần nhau như không gian lớp học. Nói thật, lúc đầu, khi mới triển khai việc học trực tuyến qua Zoom, ngay cả bản thân các thầy cô giáo còn e ngại, băn khoăn và hoài nghi về khả năng thực hiện cũng như hiệu quả của phương pháp dạy học này. Nhưng đến thời điểm này, dù còn hạn chế, khó khăn nhưng có thể khẳng định việc dạy học qua Zoom trong hoàn cảnh hiện nay là cần thiết , hợp lí và đạt hiệu quả nhất định. Bởi lẽ, phương pháp giảng dạy này đã tạo cho cả thầy cô và học sinh nếp dạy và học như ở trường, lớp. Vì thế, dù là nghỉ ở nhà nhưng cả thầy cô và học sinh ai cũng bận rộn chẳng khác gì những giờ học trên lớp. Hàng ngày, học sinh chăm chỉ xem bài dạy trên truyền hình, ghi chép bài rồi làm bài tập nhà trường giao, học qua Zoom theo thời khóa biểu của nhà trường và làm bài kiểm tra thường xuyên. Còn các thầy cô giáo thì miệt mài, chăm chút soạn bài, hào hứng vào phòng , mở phòng giảng dạy và say sưa chấm bài kiểm tra. Những dòng tin nhắn trước đây vốn xa lạ giờ đã trở nên thân thuộc trong Zalo nhóm lớp, nhóm môn học. “Các bác ơi, em mở phòng rồi, các bác nhắc con vào đi ”, “Cô ơi, cho con vào”, “Cô ơi, con lại bị thoát rồi”, “Cô giáo ơi, cháu Tiệp chưa vào được”…Lần đầu tiên trong lịch sử dạy học, thầy cô vừa dạy, vừa mở cửa, khóa cửa, vừa được sử dụng điện thoại để cập nhật, trả lời tin nhắn… Kể ra cũng thấy thú vị vô cùng. Và thật vinh dự cho nhà trường vì “được đón khách quý tới nhà” trong buổi chiều lộng gió. Đồng chí Nguyễn Thị Phượng, chuyên viên viên Văn, Phòng giáo dục Gia Lâm đã bớt chút thời gian “đến thăm phòng 6A”, dự một tiết học Zoom môn Ngữ văn . Buổi học đã nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên khích lệ và cả những góp ý bổ ích, chân thành.
Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên và học sinh là sự chỉ đạo, quan tâm của Ban giám hiệu. Ban giám hiệu nhà trường luôn đồng hành cùng giáo viên, học sinh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dạy học trực tuyến và khích lệ, động viên rất kịp thời . Dẫu mưa hay nắng, dù cả trường nghỉ ở nhà thì cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà- Hiệu trưởng, cô giáo Trần Thị Kim Ngân- Hiệu phó, vẫn đều đặn đến trường, miệt mài nghiên cứu công văn, lên kế hoạch dạy học, sắp xếp thời khóa biểu, bàn luận về phương pháp dạy học qua mạng. Đặc biệt, chính các cô giáo trong Ban Giám hiệu là những người tiên phong , khai trương tiết dạy học trực tuyến. qua Zoom. Chính sự lãnh đạo đúng đắn và sự gương mẫu của Ban Giám hiệu đã tiếp thêm tinh thần quyết tâm cho tất cả giáo viên.
Đặc biệt, trong mọi thành công của nhà trường từ xưa đến nay luôn có sự đồng hành, ủng hộ, sẻ chia của các bậc phụ huynh. Dù kinh tế còn khó khăn, đa sô phụ huynh làm nông nghiệp, ít hiểu biết về công nghệ thông tin, lại thất nghiệp vì dịch bệnh nhưng nhiều cha mẹ đã không ngần ngại đầu tư mua máy tính, laptop, điện thoại cho các con kịp thời. Rồi mỗi buổi học Zoom, cả nhà từ ông bà. bố mẹ đến cả em bé còn nằm nôi cũng bị cuốn hút vào giờ học đặc biệt. Hơn nữa, trong mỗi lớp đều có Zalo nhóm riêng, các bác phụ huynh thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin , cùng với nhà trường, GVCN quản lí việc học tập ở nhà của các con. Những tin nhắn kết bạn qua Zalo giữa phụ huynh với giáo viên, giữa học trò vời thầy cô giáo cứ tinh tinh tới tấp. Không khí thật như một đại gia đình đầm ấm, thân thương. Cả giáo viên và phụ huynh sẽ chẳng bao giờ quên được buổi họp phụ huynh trực tuyến qua Zoom. Đây là buổi họp đã đi vào lịch sử giáo dục Yên Thường không chỉ ở cách thức tổ chức mà chính là ở tinh thần hưởng ứng, ủng hộ, đồng hành của phụ huynh vượt trên cả những kì vọng của nhà trường và các thầy cô giáo. Trong buổi họp, các thầy cô giáo đã dày công chuẩn bị, từ việc sắp xếp nội dung đến chọn lựa màu chữ, hình nền trong từng trang trình chiếu, công phu, tỉ mỉ chẳng khác gì một giờ thi giáo viên dạy giỏi. Dù việc trao đổi thông tin qua mạng, nhưng cả giáo viên và cha mẹ học sinh vẫn cảm thấy gần gũi, dễ dàng. Xin được mượn lời một phụ huynh để minh chứng cho sự ủng hộ và ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các thầy cô giáo “Tôi thấy buổi họp hôm nay rất súc tích, tôi biết được rất nhiều thông tin bổ ích quan trọng , tôi thấy rất xúc động. Cảm ơn cô giáo, cảm ơn nhà trường”. Những lời nói chân thành ấy đã động viên, khích lệ, truyền lửa cho các thầy cô giáo, vượt qua hạn chế, khó khăn để hoàn thành tốt công tác giảng dạy.
Nắng đã bắt đầu rực rỡ, hoa vườn trường cũng khoe sắc tỏa hương, cánh cổng trường khép mở vẫn đều đặn, bước chân cô hiệu trưởng, hiệu phó vẫn in dấu trên từng hàng gạch nơi sân trường mỗi ngày. Khi đất nước cần, chẳng phải để “Tổ quốc gọi tên mình”, thầy và trò trường THCS Yên Thường đang từng ngày từng giờ thể hiện tình yêu Tổ quốc theo cách của riêng mình, lặng thầm, thiết thực và ý nghĩa. Rồi đại dịch sẽ qua đi, mọi hoạt động sẽ trở lai bình thường. Hy vọng với những nỗ lực cố gắng của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo cùng sự đồng lòng, sẻ chia của các bậc phụ huynh và học sinh , nhà trường tin tưởng và kì vọng một “năm học lịch sử” sẽ đạt được thành công vang dội.