THUYẾT MINH VỀ DI TÍCH LỊCH SỬ Ở ĐỊA PHƯƠNG
Lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh - di tích đặc biệt trong lòng Hà Nội
500 năm lịch sử với bao cuộc đổi thay, thăng trầm của đất nước, ở thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vẫn còn đó những hoài tưởng về vị Quận công Nguyễn Đăng Doanh - người con của quê hương năm xưa lập nhiều chiến công phò vua, giúp nước.
Những ghi chép cũng như di cảo về vị quận công này vẫn được lớp lớp thế hệ con cháu bảo tồn và trân trọng lưu giữ. Trong đó, đặc biệt là khu lăng mộ của ông với những kiến trúc hoa văn chứa đựng nét văn hóa, lịch sử của cha ông thuở trước. Di tích này vừa được UBND thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử và đưa vào danh mục cần được bảo tồn đặc biệt.
Trong nhiều tài liệu chính sử cũng như những câu chuyện mà người dân làng Trung Quán bao đời nay vẫn truyền nhau: Quận công Nguyễn Đăng Doanh sinh ngày 10-10 năm Ất Mão. Ông mất như thế nào và vào thời điểm nào thì không rõ, chỉ biết, ngay khi mất, Vua Lê đã cử đoàn tùy tùng đưa thi hài ông về hậu táng tại quê nhà theo nghi thức quan lại cao cấp mà vua sủng ái.
Bia mộ có niên hiệu Vĩnh Trị 4 (khoảng năm 1679) của tác giả Tán tự công thần đặc tiến kim tử đại phu, Hộ khoa sự lang trung, tước Xuân Sơn Bá tên là Nguyễn Sủng (tự là Đạo Nguyên) sở Vân Điểm, Đông Ngàn đang còn lưu lại chùa làng Sùng Quán, đã ghi về ông như sau: Nguyễn Đăng Doanh là người xã Xùng Quán, huyện Đông Ngàn (tên gọi của Trùng Quán ngày đó), được dân làng tôn là thành hoàng làng ngay từ khi còn sống bởi những đóng góp của ông cho quê hương, dòng tộc. Nguyễn Đăng Doanh từng giữ những tước quan trọng yếu trong triều đình như: Tư lễ giám, Tổng thái giám nam quận Đô đốc phủ; Đô đốc thiên sự Đông quận công dưới thời Hậu Lê. Cũng theo bài ký trên, ông Nguyễn Đăng Doanh có tên là Nguyễn Hội. Ông là thái giám được vua quý mến, có nhiều công trạng nên được phong những chức tước nói trên và cho hưởng hậu đãi.
Tuy được vua ban nhiều bổng lộc nhưng Quận công Nguyễn Đăng Doanh không tiêu xài hoang phí, hay giữ cho riêng mình mà ông dốc lòng gửi về quê nhà giúp đỡ nhân dân lúc nguy khó. Hàng vạn đồng bạc, rồi ruộng đất được ban, ông chia đều cho từng nhà; hằng năm cúng tiền cho làng xã để lập trường công dạy dỗ con em trong làng... Nhờ đó mà sau này, con cháu dòng họ Nguyễn Đăng cũng như người làng Trùng Quán có điều kiện học hành, mở mang trí tuệ mà phát triển, xây dựng quê hương.
Bia đá tại lăng mộ Quận công Nguyễn Đăng Doanh vẫn còn nguyên bút ký về thân thế, sự nghiệp của ông dù đã trải qua 500 năm lịch sử.
Để ghi nhớ công ơn của Đông Quận công Nguyễn Đăng Doanh, nhân dân bản xã đã dựng đặt Sinh từ - ngôi đền thờ ông ngay khi ông còn sống có tên là Diễn Phúc vào năm Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ tư. Ngày 13-6-1678, 128 người có chức nhiệm ở Trùng Quán đã đồng lòng nhất trí khắc vào bia đá suy tôn Quận công Nguyễn Đăng Doanh (lúc này vẫn còn sống) làm Đại vương, kính thờ làm Thành hoàng làng để “hằng năm vào ngày cầu phúc, sinh nhật, tứ thời bái tiết, kính nhờ như thờ thần”. Khi ông mất, được vua ban hồi hương, dân làng đã chuẩn bị chu đáo một khoảng riêng xây lăng mộ để ông yên nghỉ. Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Trưởng họ Nguyễn Đăng tại thôn Trùng Quán cho biết: “Từ thuở bé, tôi vẫn thường nghe người già trong làng kể lại, xưa khu lăng mộ quận công xây dựng rất bề thế, là nhà tám gian thoáng mát có cổng lớn xe lọng đi vào không phải tránh nhau”.
Hiện nay, Lăng mộ của Quận công họ Nguyễn nằm ngoài cánh đồng của thôn Trùng Quán, vẫn được con cháu họ Nguyễn trông coi, tôn tạo. Do chiến tranh loạn lạc, nên chỉ còn giữ được quần thể trên diện tích chừng khoảng 50 mét vuông. Bao gồm một gò mộ được xây bằng đá xanh cao hơn mặt ruộng. Bên trên lăng mộ là một sập đá đậy kín, phiến đá được bào, mài nhẵn, gờ vo tròn không có cạnh. Bốn cạnh xung quanh sập chạm nổi hoa văn với các đề tài như rồng chầu hổ phù, cánh sen, phượng hóa, lá cúc... với các nét chạm tinh tế, sống động của nghệ thuật thời hậu Lê. Thời gian qua, hậu thế họ Nguyễn Đăng đã cùng nhau góp công, góp sức làm tường bao quanh khu lăng mộ, trồng cây, quét tước, hai cây đa cổ thụ lối vào che bóng mát.
Trong khu lăng mộ, đình làng Trùng Quán, chùa Bảo Các (Trùng Quán), chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai, Hoàn Kiếm) đều có tấm bia ký về Quận công Nguyễn Đăng Doanh. Tuy nhiên, qua nhiều tháng năm, các bia đá đã có rêu phủ và đều có các vết rạn nứt.
Những ghi chép trong các bia ký là tư liệu thư tịch Hán - Nôm được xem là đặc biệt quan trọng để làm rõ hơn nữa thân thế sự nghiệp của một người có công với dân, chính vì thế, rất cần được dịch nghĩa, được bảo tồn, chống xuống cấp. Bởi lẽ, bia ký không chỉ cung cấp nhiều thông tin liên quan đến bản thân Đông Quận công Nguyễn Đăng Doanh mà còn đảm bảo tính xác thực về mặt tư liệu lịch sử, triều đại bấy giờ.
Dù gần 5 thế kỷ trôi qua, gió bụi thời gian đã phủ lên biết bao trang sử vàng son của dân tộc, nhưng hậu thế và người dân Xùng Quán, nay là thôn Trùng Quán, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội vẫn tưởng nhớ đến vị Quận công Nguyễn Đăng Doanh năm xưa lập nhiều công lao.
Thời gian qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hậu thế họ Nguyễn Đăng đã cùng nhau góp công, góp sức làm tường bao quanh khu lăng mộ, trồng cây, quét tước, trồng hai cây đa cổ thụ lối vào che bóng mát với mong muốn giữ gìn phong cách riêng và giá trị nghệ thuật tiêu biểu mang ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc để thế hệ sau luôn biết có một Quận công Nguyễn Đăng Doanh như thế...