Một nhà thơ đã từng ngợi ca nghề dạy học :
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho Đời đầy “trái ngọt hoa tươi”
Và trong vô vàn những con người làm nghề “không trồng cây vào đất” ấy, có biết bao thầy giáo, cô giáo công tác trong nhà trường lại không trực tiếp đứng lớp tham gia giảng dạy, vẫn đang âm thầm miệt mài đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Trong đó, không thể không nhắc đến các thầy cô giáo làm công tác Thiết bị đồ dùng. Và trường THCS Yên Thường, huyện Gia Lâm rất tự hào vì có cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thơm - cô giáo phụ trách Thiết bị đồ dùng dạy học.
Trong công tác, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thơm coi trường học như ngôi nhà yêu thương của mình, bảo quản giữ gìn các đồ dùng học tập, trang thiết bị rất cẩn thận, sắp xếp gọn gàng, rất thuận lợi cho các đồng nghiệp và học sinh. Đặc biệt cô luôn luôn cập nhật kịp thời các đồ dùng mới phục vụ cho công tác giảng dạy trong nhà trường. Trong các hội thi giáo viên dạy giỏi, trường THCS Yên Thường luôn đạt kết quả cao, nhiều tiết dạy được Phòng giáo dục lựa chọn dự thi cấp Thành phố. Trong thành công ấy là cả sự đóng góp lớn lao âm thầm của cô.
Trong quan hệ với đồng nghiệp, cô luôn tươi cười cởi mở, chẳng bao giờ biết giận. Có lẽ vì thế, phòng thiết bị đồ dùng cô giáo phụ trách lúc nào cũng trở thành điểm đến của đồng nghiệp và luôn tràn ngập tiếng cười trong những phút nghỉ chuyển tiết hay ra chơi. Cô có rất nhiều bài mát xoa trị liệu đau mỏi vai gáy nên những phút nghỉ ngơi cô lại giúp các thầy cô xả tress, lấy lại tinh thần, năng lượng cho những giờ lên lớp. Hàng xóm có bỏng ngon, đỗ sạch, trứng gà tươi cô nhiệt tình mua giúp cho đồng nghiệp. Trong trường, ai ốm đau, gia đình đồng nghiệp có việc hiếu hỉ, chảng bao giờ cô vắng mặt.
Không chỉ vậy, cô còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các chương trình kĩ năng sống. Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, song năm nào cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thơm cũng tham gia vào hành trình đến với những trẻ em khó khăn. Cô kêu gọi sự ủng hộ từ đồng nghiệp, người thân và rồi không quản ngại đường xá xa xôi, giao thông trắc trở, năm nào cũng vậy, cô đều đi thiện nguyện ở nhiều nơi của đất nước. Các hoạt động thể dục thể thao văn hóa văn nghệ, nữ công của Công đoàn tổ chức hàng năm, bao giờ cô cũng năng nổ nhiệt tình hăng hái tham gia. Cô đã trở thành tấm gương sáng không chỉ cho các học trò mà cho cả chính các thầy cô giáo trường THCS Yên Thường về sự lạc quan yêu đời, về phong cách sống đầy yêu thương trách nhiệm và tự tin bản lĩnh.
Trong gia đình, cô giáo đã rất đảm đang hoàn thành thiên chức của mình.. Chồng cô có hay đi công tác dài ngày, việc nhà nội ngoại, nuôi dạy hai con, chăm sóc bố mẹ chồng tuổi già sức yếu, một mình cô đảm đương hết song tất cả đều chu toàn. Hai con cô đều ngoan, khỏe, học giỏi. Cháu lớn vừa thi đỗ vào trường THPT Yên Viên, cháu bé đang học lớp 6 trường THCS Yên Thường. Dù nhà cô ở thôn Quy Mông, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, rất xa trung tâm thành phố Hà Nội nhưng hai con của cô đều được cô đăng kí tham gia các hoạt động bên Cung thiếu nhi Hà Nội. Bận bịu là thế, cô vẫn tham gia nhiệt tình các hoạt động của xóm, của làng. Năm nào Tết trung thu, cô cũng là “chị Hằng” tổ chức đêm hội trăng rằm cho các cháu trong xóm. Cách đây khoảng 10 năm, khi mà cụm từ “kĩ năng sống” còn xa vời với xã hội thì cô đã là một thành viên của tổ chức Tâm Việt. Cô từng tâm sự với tôi, cô hy vọng sẽ mở được một ngôi trường giảng dạy kĩ năng sống cho trẻ trên mảnh đất quê hương Yên Thường. Và cô vẫn đang từng ngày nỗ lực để ước mơ của mình trở thành sự thật.
Ngày xưa, nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhưng trong xã hội hiện nay, nghề dạy học lại vô cùng nguy hiểm và mong manh. Đôi lúc tôi cũng thấy hoang mang, lo sợ cho nghiệp trồng người của mình. Nhưng mỗi ngày đến trường, nhìn thấy nụ cười tươi rói của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thơm, nghĩ về cô, tôi có thêm động lực, cảm thấy tự tin với nghề, hãnh diện và yêu biết bao con đường mình đã lựa chọn. Cảm ơn cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thơm, cô giáo trường THCS Yên Thường. Cô thật xứng đáng với lời ca ngợi - Người truyền lửa.